Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang hay còn gọi là chủ tịch Fed, là bộ mặt công khai của Ngân hàng Dự trữ Liên bang. Về mặt chính thức, chủ tịch là nhân viên điều hành của Hội đồng Dự trữ Liên bang. Trách nhiệm chính của chủ tịch là thực hiện nhiệm vụ của Fed, đó là thúc đẩy các mục tiêu về việc làm, lạm phát và lãi suất dài hạn.
Fed bao gồm 12 ngân hàng Dự trữ Liên bang đặt tại các khu vực trên khắp nước Mỹ. Các ngân hàng của Fed thực hiện các hoạt động và chính sách hàng ngày của Fed. (Tìm hiểu thêm: Fed là gì)
Mục lục
Chủ tịch Fed hiện tại là ai?
Hiện tại, chủ tịch Fed là ông Jerome Powell, ông tiếp quản vai trò chủ tịch vào ngày 05/02/2018. Ông được cựu Tổng thống Trump đề cử vào tháng 11 năm 2017. Powell trước đây là đối tác tại The Carlyle Group, một công ty đầu tư tư nhân, và từng là trợ lý thư ký và thư ký của Kho bạc trong chính quyền của Tổng thống George HW Bush.
Vị trí chủ tịch trước đây do Janet Yellen, người đảm nhiệm chức vụ này vào năm 2014 dưới thời Tổng thống Obama.
Bổ nhiệm Chủ tịch Fed như thế nào?
Chủ tịch Fed được chọn từ một trong bảy thành viên của Hội đồng Thống đốc. Như được quy định trong Đạo luật Ngân hàng năm 1935, tổng thống bổ nhiệm bảy thành viên của Hội đồng thống đốc, những người sau đó được Thượng viện xác nhận.
Các thành viên của Fed phục vụ các nhiệm kỳ xen kẻ với nhau trong 14 năm và có thể không bị sa thải vì các ý kiến về chính sách của họ. Tổng thống đề cử một chủ tịch và phó chủ tịch, cả hai người này cũng phải được Thượng viện xác nhận. Chủ tịch và phó chủ tịch Fed được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm và có thể được bổ nhiệm lại, tùy thuộc vào các giới hạn nhiệm kỳ.
Nhiệm vụ của Chủ tịch Fed là gì?
Theo luật, chủ tịch Fed sẽ điều trần trước Quốc hội hai lần một năm về các vấn đề bao gồm chính sách tiền tệ và mục tiêu của Fed. Chủ tịch cũng gặp gỡ thường xuyên với thư ký Bộ Tài chính, người là thành viên Nội các của tổng thống.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chủ tịch Fed là đảm nhiệm vai trò chủ tịch Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan quan trọng trong việc thiết lập chính sách tiền tệ ngắn hạn của Mỹ. Mức lương của chủ tịch Fed sẽ do Quốc hội quy định.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC)
FOMC họp tám lần một năm, bao gồm bảy thành viên của Hội đồng thống đốc cùng với năm chủ tịch dự bị của Fed. Chủ tịch ngân hàng dự trữ New York phục vụ liên tục trong khi bốn chủ tịch ngân hàng khác luân phiên thường xuyên.
FOMC xác định chính sách tiền tệ ngắn hạn tại các cuộc họp của mình. Các công cụ tiền tệ chính của họ là lãi suất quỹ liên bang, lãi suất chiết khấu và việc mua bán trái phiếu chính phủ.
Cách thức hoạt động của lãi suất quỹ liên bang
Lãi suất quỹ liên bang là lãi suất mà tại đó các tổ chức lưu ký thành viên cho nhau vay các khoản tiền được giữ qua đêm tại Fed. Đây là lãi suất chủ chốt đối với nền kinh tế Mỹ vì nó là lãi suất cơ bản giúp xác định tất cả các loại lãi suất khác. Lãi suất quỹ liên bang cao hơn làm cho việc vay tiền đắt hơn.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã buộc FOMC phải giảm lãi suất quỹ liên bang xuống 0.25%, con số này thực sự bằng 0, tại cuộc họp gần đây nhất vào ngày 16/03/2020, giảm từ mức 1.50% được đặt vào ngày 03/03/2020. Lần gần nhất mà chúng ta thấy mức lãi suất thấp như vậy là trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
FOMC đã giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức 0.25% trong bảy năm sau cuộc khủng hoảng để tăng nguồn cung tiền và giúp đạt được những nhiệm vụ chính của Fed. Khi nền kinh tế phục hồi, FOMC bắt đầu tăng lãi suất một lần nữa vào cuối năm 2015.
Trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 12 năm 2018, FOMC đã tăng lãi suất cho vay mỗi lần một phần tư, từ 0.25% lên 2.50%. Lần cuối cùng mà chúng ta thấy lãi suất ở mức 2.50% là vào tháng 12 năm 2018.
Lãi suất chiết khấu là lãi suất được tính cho các ngân hàng nhận các khoản vay từ các Ngân hàng Dự trữ Liên bang trong khu vực. Có ba loại lãi suất chiết khấu: tín dụng chính, tín dụng thứ cấp và tín dụng theo mùa.
Chương trình nới lỏng định lượng của Fed
FOMC cũng mua và bán trái phiếu chính phủ để tăng và giảm cung tiền khi cần thiết. Fed đã thực hiện kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu Mỹ và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (MBS). Chương trình này được gọi là nới lỏng định lượng (QE), đã bổ sung khoảng 3.5 nghìn tỷ USD vào bảng cân đối của Fed. Chương trình gây tranh cãi này đã kết thúc vào năm 2014 sau ba vòng mua trái phiếu lớn.
Kể từ khi đại dịch vi rút corona bùng phát, ngoài việc cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 0% và bắt tay vào nới lỏng định lượng, Fed đã giới thiệu lại 9 cơ sở cho vay khẩn cấp.